Muốn tiếp tục đầu tư kinh doanh nhưng nhiều người gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng do vướng nợ xấu. Biết được tâm lý “bế tắc” mà nhiều người gặp phải nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng điều này để đăng tin, quảng cáo về “dịch vụ xóa nợ xấu ngân hàng”. Tuy nhiên đại diện Trung tâm thông tin tín dụng Việt Nam khẳng định, đây thực chất chỉ là chiêu trò lừa đảo.
Công khai dịch vụ “xóa nợ xấu” ngân hàng
Nợ xấu được hiểu là một khoản nợ khó đòi khi người vay không có khả năng trả nợ như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Nếu một cá nhân, một doanh nghiệp vướng phải nợ xấu thì không thể vay vốn tại các ngân hàng, không thể sử dụng thẻ tín dụng, có nguy cơ bị mất tài sản bảo đảm khi vay thế chấp. Chính vì vậy, không ít người dân thiếu hiểu biết thường tìm mọi cách để xóa nợ xấu. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã giăng bẫy nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Không khó để tìm đến dịch vụ “xoá nợ xấu ngân hàng”. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “dịch vụ xóa nợ xấu”, lập tức hiện ra hàng nghìn kết quả. Các trang web, fanpage này thường có những lời quảng cáo mùi mẫn như: “Bạn đang bị nợ xấu, không thể duyệt hồ sơ vay, bị làm phiền bởi những cuộc gọi khủng bố đòi nợ, ảnh hưởng uy tín gia đình bạn bè… hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ. Cam kết “gỡ sạch” mọi nhóm nợ”.
Không những vậy, để lấy lòng tin với người có nhu cầu, các đối tượng này còn đăng tải những hình ảnh hoạt động của CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt nam), cài đặt ảnh đại diện, ảnh bìa bằng logo của CIC. Được biết, phí dịch vụ “cung cấp xóa nợ xấu nhanh” thường giao động từ 5 -20 triệu đồng tùy vào nhóm nợ. Để mục sở thị dịch vụ “đặc biệt” này, trong vai người có nhu cầu xóa nợ xấu trên hệ thống CIC, chúng tôi có liên hệ một số fanpage, trang web quảng cáo chuyên xóa nợ xấu.
Trên một fanpage có tên “Hỗ Trợ Check CIC Xóa Nợ Xấu 24/7 – Toàn Quốc”, chủ trang có quảng cáo đây là dịch vụ xóa nợ xấu chỉ từ 24h đến 72h, người này có thể xóa tất cả các nhóm nợ xấu: Đã tất toán hết với các ngân hàng; Hiện vẫn dư nợ tại các ngân hàng; Nhận hỗ trợ làm hồ sơ bao giám định vay tiền tín chấp; Xóa các tài khoản vay ngân hàng mà chưa tất toán xong. Dòng quảng cáo này đã thu hút hàng trăm bình luận, xin tư vấn. Sau khi nhắn tin trên fanpage chúng tôi có được số điện thoại của người đăng tải gọi điện, người này quảng cáo đang làm tại một ngân hàng lớn trên địa bàn Hà Nội, có khả năng xóa toàn bộ nợ xấu tại mọi ngân hàng. “Nếu chị tin tưởng thì gửi cho em thông tin cá nhân như căn cước công dân, hộ khẩu, thông tin về khoản nợ… đảm bảo trong 24 đến 72h thông tin nợ xấu của chị sẽ không còn trên hệ thống”, nhân viên tự giới thiệu tên Q. chia sẻ.
Sau khi tạo quảng cáo dịch vụ, người này không quên thông báo giá dịch vụ: “Tùy vào khoản nợ nhiều hay ít, thời gian nợ mà giá cả khác nhau. Giá cao nhất là 20 triệu, thấp nhất là 5 triệu đồng, thanh toán 50% phí dịch vụ, sau khi xóa hết thông tin khách chuyển khoản tiếp”. Tuy nhiên, sau nhiều câu hỏi của phóng viên, người này tỏ ra nghi ngờ và chặn mọi liên lạc với chúng tôi.
Chị Nguyễn Thị Thu (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng là một nạn nhân của dịch vụ xóa nợ xấu. Chị Thu cho biết, do chị có nhu cầu vay vốn ngân hàng để khôi phục hoạt động kinh doanh nhưng không được chấp thuận vì từng có nợ xấu cách đây 4 năm. Sau khi nghe 1 người bạn là có dịch vụ “xóa nợ xấu” rất thuận tiện, chị Thu đã quyết định lên mạng xã hội tìm kiếm. Tại một fanpage có tên “Dịch vụ CIC PCB – Xóa lịch sử nợ xấu”, chị Thu có liên hệ với một người tên Minh, tự nhận là nhân viên của CIC, cam kết sẽ tạo lại hồ sơ tín dụng sạch. “Anh này có hứa chỉ cần bỏ ra 15 triệu là sẽ xóa được nợ xấu của tôi trong vòng 24 -72h. Sau khi nghe lời quảng cáo hay quá, tôi đã chuyển cho người này 5 triệu đồng và hẹn thanh toán phần còn lại khi có kết quả. Tôi đã chờ 4 ngày nhưng không thấy họ gọi lại. Khi bốc máy gọi cho người tên Minh thì không liên lạc được, tôi biết mình đã bị lừa”, chị Thu bức xúc chia sẻ.
Anh Nguyễn Công Vinh (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng đăng tải dòng trạng thái nói về việc mình bị những đối tượng này lừa đảo. Theo đó, cách đây ít lâu anh Vinh có thế chấp một miếng đất để vay ngân hàng 5 tỷ lấy vốn làm ăn. Tuy nhiên do không thể trả ngân hàng đúng thời hạn, anh Vinh đã bị phía ngân hàng chuyển vào nhóm nợ xấu. “Bây giờ dịch giã đã đỡ tôi cũng muốn tiếp tục vay vốn để vực dậy công ty nhưng không biết làm cách nào để xóa nợ xấu trên hệ thống. Tôi đã nghe theo một người bạn lên trang web nhờ xóa nợ xấu trên hệ thống CIC. Họ bảo số nợ của tôi phải mất khoảng 15 triệu đồng, họ yêu cầu tôi chuyển 60% chi phí, sau khi hoàn thành sẽ thanh toán tiếp. Tôi có lấy chuyện này kể cho cô bạn làm ở ngân hàng, cô ấy bảo đó chỉ là dịch vụ lừa đảo, không có thật. Cũng may là tôi không bị chúng lừa, mất tiền oan”, anh Vinh cho biết.
Tuyệt đối không tin vào dịch vụ “xóa nợ xấu”
Thủ đoạn lừa đảo xóa nợ xấu trên CIC đã xuất hiện vài năm nay, tuy nhiên gần đây lại xuất hiện rầm rộ trở lại. Các chuyên gia cho rằng, do tình hình kinh tế vừa qua gặp nhiều khó khăn, tình trạng nợ xấu ngày một gia tăng. Hơn nữa khi đại dịch COVID-19 đã được khống chế, rất nhiều người có nhu cầu xóa nợ xấu để tiếp tục vay vốn ngân hàng. Các đối tượng này đã nắm bắt được tình hình nên tiếp tục hoạt động mạnh hơn, công khai hơn.
Cơ quan Công an đã đưa ra những khuyến cáo đối với người dân. Các đối tượng này đã lợi dụng sự nôn nóng, muốn tiếp tục được vay khi còn đang nợ và sự thiếu hiểu biết của nhiều người. Từ đó chúng lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội và đăng những lời quảng cáo nhận xóa nợ xấu, hỗ trợ vay tiền ngân hàng. Khi tiếp cận được các nạn nhân, chúng dễ dàng lấy được lòng tin của bị hại và đưa ra mức giá dịch vụ từ vài trăm, đến hàng tỷ đồng để xóa và che nợ xấu. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn làm giả giấy tờ của các tổ chức tín dụng rồi gửi đến các bị hại nhằm thúc ép chuyển tiền, bôi trơn hồ sơ. Do mọi giao dịch đều thực hiện trên không gian mạng, nên việc điều tra các đối tượng là rất khó khăn.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC cho hay: “Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra những thông tin về doanh nghiệp và chính bản thân mình tại cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam. Khi phát hiện ra những thông tin không chính xác, chúng ta có thể yêu cầu các đơn vị liên quan chỉnh sửa thông tin của mình để đảm bảo quyền lợi”.
Ông Tuấn cũng khẳng định, việc xóa thông tin nợ xấu hay can thiệp vào hệ thống thông tin CIC, không có tổ chức, cá nhân nào có thể tự thực hiện. Khi có sai sót, khách hàng cần thực hiện khiếu nại, đề nghị chỉnh sửa thông tin theo đúng quy định và được chấp thuận bởi lãnh đạo cao nhất của các ngân hàng. Vì vậy, những quảng cáo dịch vụ xóa nợ xấu trên bất cứ kênh nào cũng đều có dấu hiệu lừa đảo. “Người dân có thể liên hệ đường dây nóng 1800 585 891 của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) trong giờ hành chính khi cần tư vấn liên quan đến tài chính tín dụng, giải quyết các khiếu nại liên quan đến thông tin tín dụng của bản thân” – Ông Tuấn cho biết thêm.
Sau khi nhiều nạn nhân phản ánh việc mình bị lừa đảo xóa nợ xấu, một số ngân hàng thương mại đã lên tiếng việc này. Ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Viettin Bank cho biết: “Mỗi ngân hàng cho khách hàng vay và khi khách hàng bị nhảy nhóm nợ thì những thông tin này sẽ được ngân hàng gửi tự động đến CIC. CIC sẽ đẩy thông tin này đến cho mọi tổ chức tín dụng có liên quan. Ngân hàng chỉ điều chỉnh khi nào ngân hàng xác nhận có sai sót về dữ liệu hay sai sót về tác nghiệp. Lúc đó, lãnh đạo ngân hàng phải ký một công văn để điều chỉnh thông tin đến CIC. Chính vì thế tôi tin chắc rằng không có dịch vụ xóa được nợ xấu trên CIC”.
Trong khi đó Ngân hàng VPBank cũng đưa ra cảnh báo với khách hàng về tình trạng “dịch vụ xóa nợ xấu”. Đại diện ngân hàng này khẳng định, khách hàng cần hiểu đúng về thông tin tín dụng CIC. Thông tin tín dụng của khách hàng được lưu trữ thực tế theo thời gian, không một đối tượng hay cơ quan nào có thể “xóa” thông tin này. Thông tin tín dụng của khách hàng chỉ có thể được sửa chữa do sai sót kỹ thuật. Thông tin tín dụng của khách hàng chỉ được CIC cung cấp cho các Tổ chức tín dụng có liên quan, hoặc chính khách hàng đó và không cung cấp cho bất kỳ đơn vị/cá nhân nào khác. Cách duy nhất để không phát sinh nợ quá hạn/nợ xấu CIC là thanh toán nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn. Đặc biệt, khách hàng hết sức lưu ý, tuyệt đối không tin vào những quảng cáo, chào mời, giới thiệu dịch vụ “che” nợ, “xóa” nợ xấu CIC.
“Khách hàng cần tìm hiểu thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn, cải thiện lịch sử quan hệ tín dụng thay vì tin vào các lời quảng cáo, chào mời nhanh gọn, hiệu quả, tối ưu, chi phí rẻ… trên mạng xã hội”, đại diện VPBank cho biết.
Trên thực tế nếu như trước đây, việc tra cứu hay theo dõi về các thông tin tín dụng đều được bảo mật và vô cùng khó khăn để tiếp cận, gần như chỉ liên kết với mạng lưới ngân hàng thương mại, thì gần đây, CIC đã bắt đầu vận hành thí điểm cổng thông tin đang dành riêng cho hoạt động kết nối khách hàng vay và ứng dụng “CIC Credits Connect – Kết nối nhu cầu vay” trên điện thoại thông minh từ tháng 9/2015, chủ yếu hỗ trợ khách hàng kiểm tra mức độ tín nhiệm và khai thác báo cáo tín dụng của bản thân rất thuận tiện và hữu ích”.
Cảm ơn bạn H. T cung cấp link.
Link gốc: https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/can-trong-voi-chieu-lua-xoa-no-xau-ngan-hang-i697635/